Monday, April 30, 2012

Xin hay nhin fan Kpop mot cach cong bang

bo dam | value education | am thuc | am thuc viet nam | am thuc viet |

> Tiếng nói của một người trẻ mê nhạc Hàn

Kính thưa các cô, các bác! Cháu là một fan mê nhạc Hàn. Trước tiên cháu xin khẳng định như vậy. Cháu sinh năm 1996, trên cháu còn có một người chị sinh năm 89, nếu nói không quá thì cháu là một người được hưởng cả hai nền văn hóa 8X và 9X.

Nhờ có chị cháu, cháu đọc các tờ báo dành cho tuổi mới lớn cùng lúc với học chữ, và cháu cũng đã tiếp nhận văn hóa thần tượng từ đó. Thời những năm 90-2000, cháu vẫn còn nhớ như in, và vẫn còn giữ những tờ báo in hình thần tượng, các ca sĩ Việt Nam, nước ngoài và Hàn Quốc.

Văn hóa fan hồi ấy, có crazy fan và lovely fan. Cháu còn nhớ, có một bài báo viết về vấn đề fan và thần tượng thế này: Đối với những giải phải cắt phiếu, cho vào phong bì và gửi đi, các fan club đã tập hợp những thành viên của họ, tại nhà một người nào đó. Có khi chỉ là một căn gác xép nhỏ.

Tại đó, giữa cái nắng mùa hè như thiêu như đốt, hàng chục con người chen chúc, mỗi người làm một công việc, đến mức thành chuyên môn hóa. Từ cắt phiếu, dán phiếu, cho vào phong bì, mỗi công đoạn đều có một nhóm riêng. Thậm chí, có bác đưa thư bảo rằng, mỗi ngày tôi phải cột dây vào đống thư này cho khỏi rơi.

Còn nếu đối với những cuộc bình chọn qua điện thoại, hàng trăm thẻ nạp, hàng trăm chiếc điện thoại bàn đã hỏng vì bấm số. Rất nhiều gia đình cũng tá hỏa khi thấy hóa đơn lên đến tiền triệu. Những điều trên cho thấy rằng, fan cuồng không chỉ bây giờ, không chỉ thế hệ 9X mới có, mà đã tồn tại từ lâu lắm rồi.

Cháu lớn lên trong cảm nhận về văn hóa fan và thần tượng, từ hồi Moffats đến Việt Nam, và rất nhiều thần tượng Âu Mỹ khác. Khi đó, cháu còn quá nhỏ để có một thần tượng cho riêng mình, chỉ có thể đứng lặng lẽ mà quan sát, quan sát một phong trào.

Thực ra mà nói, cháu không phải dễ thích một ai đó, cháu cũng không thần tượng người ta vì hát hay, nhảy đẹp. Nếu cháu và các bác có cơ hội gặp nhau, cháu sẽ kể cho bác nghe sự tích trở thành fan Kpop của cháu.

Cháu trở thành fan Kpop vào năm lớp 7, cái tuổi này có thể coi là già đối với khởi đầu của một fan, và với nền kiến thức về văn hóa fan và thần tượng đó, cháu trở thành fan một cách cực kỳ thận trọng.

Bác nói bọn cháu thiếu kiến thức và kỹ năng chọn lọc thông tin. Cháu hoàn toàn đồng ý. Hàng ngày lên mạng, có quá nhiều thứ hấp dẫn bọn cháu click vào. Không chỉ là Kpop, mà còn là lộ hàng, là chat sex, là giết người man rợ… Cháu cũng từng có thời gian lang thang khắp các mạng dân chơi, thấy toàn clip lộ hàng, clip sex, clip đánh nhau…

Vậy thì, cháu thiết nghĩ, Kpop chính là một sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên độ tuổi của bọn cháu. Thay vì sáng sáng lên mạng, xem có em girl xinh nào up ảnh tự sướng, thì bọn cháu tìm những thông tin chính thống về thần tượng của mình. Giảm bớt sự tò mò về những thứ không phù hợp lứa tuổi lại. Bác cũng như các vị phụ huynh khác, luôn luôn tò mò về việc những đứa con làm gì, chat với ai?

Thay vì bọn cháu chat chit về yêu đương nhăng nhít, chúng cháu có một chủ đề chung để nói, đó là Kpop. Chúng cháu chia sẻ với nhau những bài hát hay, những điệu nhảy đẹp, khuyến khích nhau luyện tập, khuyến khích nhau tự tin. Thành thực mà nói, với tư cách là một sinh viên đại học, cháu thiết nghĩ nếu nói chuyện về những vấn đề này là hoàn toàn lành mạnh.

Về vấn đề văn hóa dân tộc, có thể bác không biết, nhưng khi mấy ban nhạc Hàn Quốc sang Việt Nam, bọn cháu đã từng dự định mặc áo dài để thể hiện tinh thần dân tộc. Hay món quà khi tặng các thần tượng Hàn Quốc của chúng cháu, không bao giờ thiếu được chiếc nón lá dân tộc.

Bọn cháu đã từng hò hét cả ngày khi thấy G-Dragon đội chiếc nón lá Việt Nam ở sân bay, đã từng cặm cụi ngồi photoshop hình ảnh một Yoona mặc áo dài. Trên hết tất cả, bọn cháu hãnh diện, tự hào, bởi vì với mức độ phủ sóng của Kpop, hình ảnh của Việt Nam cũng được quảng bá.

Mọi người nói giới trẻ ngày nay thụ động, chỉ biết ngồi trên máy tính, vậy thì dance cover, là một giải pháp hoàn hảo. Thay vì chỉ biết ngồi xem, bây giờ chúng cháu đã bắt đầu tập luyện những bước nhảy. Vừa là thể dục thể thao, vừa là niềm đam mê.

Fan Kpop chúng cháu, luôn luôn có những hoạt động để cho các fan giao lưu, vừa hoạt động xã hội. Rất nhiều những chương trình từ thiện được chính cộng đồng fan tổ chức, thu hút được sự tham gia của rất nhiều các bạn trẻ. Thay vì tặng hoa cho các thần tượng, chúng cháu đã chuyển số tiền mua hoa ấy sang mua gạo, để làm từ thiện, vừa là chúc mừng, vừa không phí phạm.

Chúng cháu có thừa nhận là một bộ phận trong cộng đồng fan đang trở nên thái quá. Nhưng ngay tại chính cộng đồng này, chúng cháu kịch liệt lên án những hành động được cho là trái với thuần phong mỹ tục. Ở quy mô nhỏ, chỉ cần một người xưng hô không đúng mực, ví dụ như gọi một người hơn tuổi là bạn. Dù là vô tình hay cố ý, thì người đó cũng bị lên án.

Ở quy mô lớn hơn, chúng cháu cực kỳ phản đối những hành động thái quá đó, dạo qua các diễn đàn của chính fan Kpop, không hề thiếu những bình luận lên án hay thậm chí là tẩy chay những hành động đó. Ngay trong chính cộng đồng chúng cháu, đang có sự giáo dục và thanh lọc lẫn nhau, để hướng tới một cộng đồng fan Kpop tốt đẹp hơn.

Các fan của Bigbang tại soundfest 2012 nhặt rác bảo vệ môi trường

Một vài fan xả rác ra sân vận động, nhưng vẫn còn những fan sẵn sàng ở lại nhặt những giấy rác đó. Thực sự, chỉ mong mọi người đừng vì một vài cá nhân mà đánh giá tập thể, hãy nhìn nhận fan Kpop như một trào lưu, đúng với ý nghĩa của nó.

Hồng Quang


Theo www.baomoi.com